Ngày 9/4, Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội phối hợp với một số tổ chức quốc tế tổ chức Hội thảo xây dựng chính sách và pháp luật về nuôi dưỡng trẻ nhỏ.
Thông tin cho thấy, các hãng sữa đa quốc gia đang thao túng về thông tin, mua chuộc các nhân viên y tế khiến các bà mẹ lầm tưởng là sữa bột có thể thay thế được sữa mẹ.
Nguy cơ giảm chỉ số IQ
TS Alessandro Lellamo (WHO) cho biết, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn có thể ngăn chặn 75% đến 93% số ca tử vong vì tiêu chảy và 80% số ca tử vong vì viêm phổi.
Đặc biệt, trẻ được bú mẹ sẽ thông minh hơn 5 điểm IQ so với dùng sữa công thức; giảm được 37% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường... Ông David Clard (UNICEF) cho biết thêm, hàng năm có khoảng 1,4 triệu ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi do thực hành nuôi con bằng sữa mẹ kém.
Đáng lưu ý là, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ tăng ở hầu hết các khu vực, thế nhưng lại không có sự thay đổi ở Đông Nam Á. Trên toàn cầu, số trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn đã tăng từ 34% năm 1995 lên 43% năm 2011. Trong khi đó, tại Đông Nam Á tỷ lệ này chỉ tăng từ 28% lên 29%.
Ông David Clard cũng đưa ra hàng loạt những rủi ro khác vì không nuôi con bằng sữa mẹ như: Tăng các nguy cơ bị loãng xương, eczêma chàm, nhiễm trùng tai và giảm chỉ số IQ. Trẻ bú bình còn ảnh hưởng đến tuổi thọ của răng.
Một mối lo ngại nữa là nguy cơ nhiễm khuẩn trong sữa bột. Ông David Clard cho rằng, sữa bột không phải là sản phẩm vô trùng bởi tại nhà máy, sữa bột có thể bị nhiễm các vi khuẩn gây bệnh có khả năng lây nhiễm cao và kháng nhiệt.
Mua chuộc nhân viên y tế
Mặc dù đã có những minh chứng về công dụng của sữa mẹ và nguy cơ do trẻ em phải sử dụng sữa công thức tuy nhiên, mọi nỗ lực để trẻ em được bú sữa mẹ hoàn toàn vẫn chưa đem lại hiệu quả.
Đại diện UNICEF và một số tổ chức quốc tế đều cho rằng, đó là do sức mạnh đồng tiền của các hãng sữa. Bà Yeong Joo Kean (Mạng lưới hành động vì dinh dưỡng trẻ nhỏ- IBFAN) cho biết thêm, doanh số hàng năm của mặt hàng sữa cho trẻ em đạt tới 25 tỷ đô la.
Trong đó, Châu Á- Thái Bình Dương chiếm tới 37% và là thị trường lớn nhất. Ngay tại những nước phát triển, các hãng sữa cùng chi rất mạnh cho quảng cáo, tiếp thị.
Tại Anh, mỗi năm các công ty sữa dành tới 12 triệu bảng (trung bình 20 bảng cho mỗi trẻ) để quảng cáo, khuyến mại. Trong khi, Chính phủ Anh chỉ chi 14 xu cho mỗi trẻ nhằm thúc đẩy việc nuôi con bằng sữa mẹ. Tại Hồng Kông, chi phí quảng cáo sữa năm 2012 lên đến 300 triệu đô la.
Với sức mạnh của mình, các hãng sữa còn tác động lên quá trình làm chính sách, phản đối quy định cấm quảng cáo sữa bột với lý do, việc cấm đoán có thể dẫn đến sự xâm phạm quyền thông tin và tự do lựa chọn của các bà mẹ.
Bà Yeong Joo Kean cho biết, các hãng sữa đang len lỏi khắp nơi. Họ biến các cơ quan y tế nhà nước thành đối tác trong việc quảng bá dinh dưỡng và sức khỏe trẻ sơ sinh. Sử dụng các mối quan hệ để tiếp cận các bệnh viện, phòng phẫu thuật, thậm chí mua chuộc các nhân viên y tế.
Bà Yeong Joo Kean đã dẫn chứng một hội thảo khoa học ở Việt Nam được Hiệp hội Dinh dưỡng VN tổ chức và được đồng tài trợ bởi Viện Dinh dưỡng Quốc gia và các công ty sữa. Một số nữ hộ sinh đã từng thừa nhận những câu như: “20 hộp mỗi tháng là mục tiêu của tôi”; “Chúng tôi được tài trợ các chuyến du lịch Singapore,
Thái Lan”...
Thái Lan”...
Ông Nguyễn Đức Vinh (Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Bộ Y tế) nhận định, quảng cáo sữa bột tràn lan và không được quản lý khiến cho các bà mẹ tin rằng vừa cho trẻ bú mẹ vừa cho trẻ uống sữa bột sẽ cung cấp nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ.
Bà Đinh Thị Thu Thủy, cán bộ Vụ Pháp chế (Bộ Y tế)cho biết, các vi phạm phổ biến hiện nay là: Quảng cáo các sản phẩm sữa công thức cho trẻ trên 12 tháng tuổi; các sản phẩm sữa được ngầm so sánh tương đương hoặc tốt hơn sữa mẹ; các sản phẩm được lý tưởng hóa, hoặc không khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ.
Ngoài ra, các sản phẩm bị cấm quảng bá vẫn được bán tại nhà thuốc hoặc thông qua nhân viên y tế. Các bác sỹ và nhân viên y tế nhận hội thảo, tài trợ của hãng sữa.
Trong khi đó, công tác thanh tra không thường xuyên và kịp thời. Việc xác định hành vi vi phạm gặp khó khăn. Mức phạt từ 3- 10 triệu đồng quá thấp, không đủ răn đe. “Sự xung đột lợi ích kinh doanh và sức khỏe bà mẹ/trẻ em là cuộc chiến không cân sức” - Bà Thủy thừa nhận.
Tại Việt Nam, các hãng sữa ngoại cũng đang “làm mưa, làm gió” khi quảng cáo sữa tràn ngập trong các giờ vàng trên truyền hình. Đây cũng là lý do khiến tỷ lệ trẻ em Việt Nam được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu rất thấp.
|
Theo Hà Nhân
Tiền Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét