Theo một báo cáo của các nhà khoa học LHQ vào tháng trước, khoảng 30% số loài trên thế giới có thể bị diệt vong nếu nhiệt độ bề mặt Trái đất tăng thêm 2,5oC và con số này sẽ tăng lên 70% nếu nhiệt độ tăng thêm 3,5oC. Trước tình trạng nhiều loài không phát triển kịp để thích nghi với môi trường sống biến đổi, các chuyên gia đã bàn luận, tìm hiếu về giới hạn sinh tồn của con người. Con người có thể nhịn thở vài phút, nhịn ăn uống nhiều ngày, thức trắng không ít đêm, nhưng có thể chịu được sự thay đổi của môi trường tới mức nào?
Cụ Prahlad Jani trong bệnh viện Sterling, thành phố Ahmedabad
Những điều kỳ lạ trong thế giới tự nhiên
Hầu như loài vật nào cũng có mưu mẹo riêng để thích nghi với thay đổi môi trường, để sinh tồn. Một số sinh vật còn là "bậc thầy" phòng vệ với những bí quyết thoát hiểm vô cùng ấn tượng và "không đụng hàng". Đó là Chồn Opossum thường phản ứng với hiểm nguy bằng cách giả vờ chết: Nó rơi xuống đất, sùi bọt mép cứ như thể bị bệnh nặng, sau đó nằm bất động với cái mõm há hốc và tiết ra chất lỏng màu xanh lá cây có mùi ôi từ các tuyến hậu môn. Điều kỳ lạ nhất về cơ chế bảo vệ của loài động vật này là, phản ứng mang tính tâm lý, tiềm thức trước hiểm nguy hơn là phản ứng có ý thức. Vì các động vật ăn thịt thường thích giết con mồi hơn nên chúng không hứng thú với những con mồi trông có vẻ đã hôn mê và thường bỏ đi.
Bạn có nhớ nhân vật người sói trong bộ phim bom tấn "X-men" (Dị nhân) của Hollywood cũng như những vuốt kim loại nổi tiếng của anh ta? Trông người sói thật dũng mãnh và hấp dẫn khi các móng vuốt sắc nhọn xuyên qua lớp da giữa các đốt ngón tay của anh ta và lộ ra ngoài, bất chấp mọi logic về sinh lý của con người. Nhưng không phải trong phim mà ở trong thiên nhiên có một loài lưỡng cư ếch lông khi cảm nhận thấy nguy hiểm có thể chủ động làm gãy xương của nó để tạo ra các móng vuốt đâm thủng mặt dưới bàn chân, lộ ra ngoài. Người ta tin rằng, đầu xương chân ếch lông có hình dáng như một chiếc móng sắc nhọn và được kết nối với một cơ nhất định. Khi cơ này co rút, nó kéo móng vuốt đi xuống, tách ra khỏi phần còn lại của xương và nhô ra từ dưới bàn chân.
Những ai từng hâm mộ khả năng tự nhào nặn thành bất kỳ hình dạng nào mà không bị gãy vỡ của nhân vật phản diện là robot làm bằng kim loại lỏng trong bộ phim "Kẻ hủy diệt 2" chắc chắn sẽ vô cùng khâm phục tai năng của hải sâm: Khi bị tấn công, loài sinh vật này có thể thay đổi trạng thái cơ thể của chúng, biến chúng từ dạng rắn thành dạng lỏng và ngược lại trong vài phần nghìn giây. Không chỉ vậy, chúng còn có khả năng làm tan chảy cơ thể thành một chất nhờn dính, nhớp nháp, thấm qua các kẽ và vết nứt, sau đó tái tập hợp thành các cục nhỏ. Điều tuyệt vời hơn là hải sâm có khả năng tự lộn ngược cơ thể từ trong ra ngoài để các dịch tiêu hóa độc hại của chúng có thể đầu độc và tiêu diệt kẻ thù.
Con người cũng không thua kém
Những thể nhân khác nhau có thể chịu được những thay đổi về nhiệt độ, áp suất hay lượng oxy trong không khí khác nhau. Ngoài ra, chúng ta có thích nghi được hay không còn phụ thuộc vào sự thay đổi môi trường diễn ra trong bao lâu. Điều này là do cơ thể có thể dần điều chỉnh quá trình hấp thụ oxy, cũng như quá trình trao đổi chất để thích ứng với các điều kiện bên ngoài.
Hầu hết mọi người sẽ bị chứng tăng thân nhiệt sau 10 phút chịu đựng nhiệt độ 60oC. Thông thường, một người sẽ chết khi nhiệt độ cơ thể giảm xuống đến 21oC. Tuy nhiên, mất bao lâu để nhiệt độ cơ thể giảm xuống mức giới hạn này còn phụ thuộc vào việc người này đã "quen" với cái lạnh đến mức nào và liệu hiện tượng "ngủ đông" có xảy ra hay không. Chính khả năng của từng con người đã tạo lên những giới hạn phi thường.
Giới hạn thức trắng: Kỷ lục không ngủ dài nhất trên thế giới thuộc về Randy Gardner, người có thể thức liên tục 264 giờ (khoảng 11 ngày). Tháng 6 vừa qua, một người đàn ông Trung Quốc đã chết sau khi thức liên tục 11 ngày để xem bóng đá. Tuy nhiên, do ông này đã sử dụng rất nhiều rượu và thuốc lá nên người ta chưa thể khẳng định chắc chắn nguyên nhân cái chết là do thiếu ngủ.
Một nghiên cứu của Đại học Chicago (Mỹ) trên chuột cho thấy, khi không được ngủ 2 tuần liên tục, ở chuột xuất hiện triệu chứng tăng chuyển hóa khiến tốc độ trao đổi chất tăng quá nhanh, đốt cháy hết calorie thừa ngay cả khi cơ thể không hoạt động.
Giới hạn phơi nhiễm phóng xạ: Phóng xạ gây nguy hiểm lâu dài về mặt sức khoẻ bởi nó có thể biến đổi ADN ở người, dẫn tới sự phát triển của các tế bào ung thư. Theo Peter Caracappa, chuyên gia an toàn phóng xạ tại Viện Bách khoa Rensselaer (Mỹ), độ nhiễm phóng xạ lên tới 5 - 6sv (đơn vị đo lường hấp thụ bức xạ ion hóa) trong vài phút sẽ cắt nhỏ một lượng lớn tế bào khiến cơ thể không kịp hồi phục.
Một số công nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) phơi nhiễm từ 0,4 - 1sv phóng xạ mỗi giờ. Mặc dù sống sót nhờ các dụng cụ bảo vệ đặc biệt, họ vẫn có nguy cơ ung thư cao.
Giới hạn chịu đựng sự tăng tốc đột ngột: Gia tốc ngang tác động rất mạnh đến cơ thể người do sự không đối xứng của các lực tác động. Theo một bài báo trên Popular Science, việc bị tác động bởi lực gia tốc ngang lớn gấp 14 lần trọng lực Trái Đất, khiến nội tạng trong cơ thể bị xé nát, máu dồn xuống chân.
Con người có vẻ dễ dàng vượt qua tình trạng tăng tốc về phía trước và phía sau do ở tình trạng này, đầu và tim được tăng tốc cùng một lúc. Vào những năm 1940 - 1950, các nhà khoa học thí nghiệm gắn động cơ phản lực vào một chiếc xe trượt tuyết tại căn cứ không quân Edwards ở California. Chiếc xe trượt tuyết đang di chuyển với vận tốc 1.013km/h chưa đầy một giây đã dừng lại đột ngột nhưng đối tượng tham gia thí nghiệm vẫn an toàn.
Đến chuyện khoa học chưa thể lý giải
Theo Telegraph, phần lớn loài người không thể sống nếu không ăn trong 50 ngày. Thế nhưng, nhiều tín đồ đạo Jain và Hindu tại Ấn Độ có thể nhịn ăn và uống tới 8 ngày mà cơ thể vẫn hoàn toàn bình thường. Trên thực tế nhịn ăn là một phần trong các nghi lễ tôn giáo của họ.
Các nhà khoa học Ấn Độ sửng sốt khi nhận thấy sức khỏe của cụ ông Prahlad Jani 82 tuổi hoàn toàn bình thường sau quá trình nhịn ăn và uống trong nửa tháng.
Để xác nhận khả năng của cụ Jani là có thực chứ không chỉ là trò bịp bợm, Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) mời cụ vào bệnh viện Sterling tại thành phố Ahmedabad, bang Gurjarat để kiểm tra khả năng kỳ lạ của cụ. Suốt hai tuần cụ Jani chịu sự giám sát chặt chẽ của 30 nhân viên y tế cùng máy quay trong một phòng biệt lập. Trong khoảng thời gian đó cụ không ăn, uống. Các bác sĩ không phát hiện bất kỳ tác động tiêu cực nào, như đói, mất nước, teo cơ, giảm cân, mệt mỏi, kiệt sức, hôn mê. Cũng trong khoảng thời gian đó cụ không hề tiểu tiện hay đại tiện. “Jani chỉ tiếp xúc với nước khi tắm và súc miệng trong suốt hai tuần”, G. Ilavazahagan, Giám đốc Viện Sinh lý học và Khoa học ứng dụng thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ, thông báo. Thử nghiệm kết thúc và cụ Jani xuất hiện trong cuộc họp báo tại bệnh viện trong trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh. “Chúng tôi vẫn chưa hiểu tại sao cụ vẫn sống bình thường. Đây quả thực là một hiện tượng bí ẩn”, Sudhir Shah, một nhà thần kinh học, người chuyên nghiên cứu khả năng siêu nhiên, tham gia thử nghiệm, phát biểu.
Trong quá trình theo dõi, các nhà khoa học đã liên tục chụp cắt lớp các cơ quan nội tạng, não, những mạch máu của cụ, đồng thời kiểm tra khả năng hoạt động của tim, phổi và trí nhớ. Tất cả đều... bình thường!
Ông Shah nói cụ không ăn và uống trong 10 ngày. Cơ thể cụ hấp thụ nước tiểu ngay sau khi nó hình thành trong bàng quang. Trọng lượng cơ thể của cụ giảm chút ít sau thử nghiệm. “Nếu Jani không lấy năng lượng từ thực phẩm và nước, chắc chắn ông ấy phải lấy năng lượng từ những thứ trong môi trường xung quanh, chẳng hạn như ánh sáng”, bác sĩ thần kinh học Shah nhận xét.
Sau khi thử nghiệm kết thúc, Jani đã trở về làng quê của ông gần thành phố Ambaji, phía bắc bang Gujarat để tiếp tục luyện yoga và thiền. Người đàn ông 82 tuổi từng rời khỏi nhà khi mới lên 7 tuổi và lang thang khắp bang Rajasthan, Ấn Độ nói rằng khi cụ còn nhỏ đã được một nữ thần ban cho cụ khả năng đặc biệt nên không cần ăn hay uống mà vẫn sống bình thường. Nữ thần rót thuốc tiên qua một lỗ trong vòm miệng, cụ cho là như thế.
Còn DRDO hy vọng kết quả thử nghiệm sẽ giúp các binh sĩ, nạn nhân của các thảm họa, phi hành gia và nhiều đối tượng khác tồn tại trong những hoàn cảnh khắc nghiệt. Họ cho rằng cụ Jani có thể dạy các binh sĩ cách kéo dài thời gian sống sót mà không cần thức ăn hay nước. Những bí mật của cụ cũng có thể giúp những nạn nhân của thảm họa tăng khả năng sống sót trong lúc chờ lực lượng cứu hộ.
“Chúng ta sẽ có thể cứu nhiều mạng người trong các thảm họa thiên nhiên, những cuộc hành trình trên biển và các điều kiện khắc nghiệt. Chúng ta có thể dạy người dân những kỹ thuật sinh tồn với rất ít thức ăn và nước trong các điều kiện bất lợi”, tiến sĩ GIlavazhagan, Giám đốc Viện Sinh lý học và Khoa học ứng dụng thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ, phát biểu.
Theo: anninhthudo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét